Cá lóc là loài cá thịt ngon và hiền, ít xương và nhiều đạm trong các loài cá đồng. Cá lóc nướng trui ra đời từ những buổi làm đồng của những người nông dân Nam Bộ. Sau khi ngăn lạch, tát đìa, cá bắt lên chỉ cần rửa sạch, um rơm nướng chín là có thể cùng nhau thưởng thức ngay giữa cánh đồng lộng gió.
Nếu có dịp về miền Tây, bạn đừng bỏ qua món cá lóc nướng trui trứ danh. Ảnh: vanhoamientay
Món ăn này muốn ngon thì cá lóc nhất thiết phải là loại sống trong môi trường tự nhiên, vì cá sẽ săn chắc, có vị ngọt thơm. Cá lóc sau khi đánh bắt về đem rửa cho sạch bùn nhớt. Sau đó, người ta xuyên một que tre qua thân cá (không cần đánh vảy hay làm ruột) rồi cắm xuống đất, phủ rơm khô lên và châm lửa đốt. Nướng cá phải chín vừa phải, sao cho vảy cá cháy đều nhưng không làm khét thịt cá.
Cá lóc nướng trui ngon khi chín đều sẽ để lộ phần thịt trắng, khói bốc lên thơm phức. Bạn sẽ ăn kèm là bánh tráng, bún tươi và các loại rau thơm, chuối chát, khế chua, đọt xoài, đọt cóc kèn… chấm kèm nước mắm chua ngọt, nước mắm me.
Chuột đồng nướng muối ớt
Nhiều du khách nghe nói đến món chuột đồng thì "lắc đầu lè lưỡi", nhưng nếu ai từng ăn thử món này thì sẽ nhớ mãi không quên bởi chuột đồng nướng muối ớt có vị thơm ngon đặc trưng.
Chuột đồng nướng muối ớt thử thách lòng can đảm của thực khách. Ảnh: I.T
Để làm món thịt chuột ngon, công đoạn sơ chế và chuẩn bị rất quan trọng. Chuột đồng sau khi bắt hoặc mua về được làm thịt sạch sẽ, sau đó rửa sạch với muối và gừng để hết mùi tanh. Thịt sẽ được ướp đều gia vị sả, ớt, tỏi trong khoảng 20 - 30 phút rồi đem nướng trên bếp than hoa.
Khi chín, thịt chuyển sang màu vàng và hương thơm dậy lên, thơm nức. Thịt chuột xé ra bên trong có màu trắng và hương vị hơi giống thịt gà. Mới nướng xong, thịt chuột rất mềm và ngọt, khi ăn có thể nghe tiếng giòn tan của xương trong miệng. Bạn có thể chấm thịt với muối tiêu chanh, ngon hết sảy.
Bún cá Châu Đốc
Nói đến bún cá thì không đâu nổi tiếng bằng bún cá Châu Đốc, dù món ăn này là đặc trưng của miền sông nước miền Tây. Mỗi vùng đất lại có cách chế biến khác nhau. Nước lèo món bún cá Châu Đốc được ninh từ xương heo, nêm thêm mắm cá linh, mắm ruốc để tạo nên hương vị độc đáo. Phần cá phải là cá lóc, luộc chín rồi xào sơ qua với nghệ để giảm mùi tanh, tăng hương vị cho món bún cá.
Món bún cá Châu Đốc thường được ăn kèm rau diếp cá, húng quế, bắp chuối và bông điên điển, rất đặc trưng miền Tây.
Lẩu mắm
Một trong những món ăn bạn nhất định phải thử khi đến miền Tây là lẩu mắm, vì chỉ ở đây, bạn mới cảm nhận hết hương vị đặc trưng của món ăn này. Lẩu chỉ thực sự ngon khi nước lẩu được chế biến từ mắm cá linh hay mắm cá sặc Châu Đốc, An Giang.
Lẩu mắm là món ăn đặc sản của người miền Tây sông nước. Ảnh: Zing
Nước lẩu được nấu từ xương heo kết hợp cùng mắm linh hoặc mắm sặc, sau đó thêm vào ít nấm rơm, cà tím để gia tăng hương vị. Những nguyên liệu ăn lẩu mắm thường là thịt ba rọi, tép bạc, cá basa, lươn, thịt bò, ốc bươu... tạo thành một nồi lẩu thập cẩm, đậm đà hương vị. Lẩu mắm được ăn kèm vơi rau sống gồm các loại bông điên điển, bông so đũa, lục bình...
Canh chua cá linh bông điên điển
Món canh chua cá linh được nấu giống như các loại canh chua khác, nhưng nguyên liệu là cá linh và bông điên điển. Để làm món ăn này, cá linh sau khi đánh bắt, làm sạch được cho vào nồi nước me chua nấu sôi rồi tiếp tục cho các nguyên liệu như giá, cà chua, ngò gai, rau thơm và bông điên điển vào nồi, nêm nếm gia vị.
Có hai thứ làm nên đặc trưng của mùa nước nổi miền Tây là cá linh và bông điên điển.
Món canh chua cá linh hấp dẫn thực khách bởi vị ngọt thanh kèm chút beo béo của cá linh non, nước canh chua cùng với mùi thơm từ các loại rau nêm khiến du khách ăn hoài không thấy ngán.
Theo Báo Dân Việt
: 40 |
: 106083 |